Tham dự buổi lễ có đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp &PTNT, Bộ công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng; Tổng cục Thủy sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT một số tỉnh ven biển và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến và ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã chủ trì buổi lễ.
Kết thúc một năm đầy biến động, chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời. Hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở ĐBSCL khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá đang nuôi bị bệnh, chết; doanh nghiệp chế biến chủ yếu thu mua cá nguyên liệu trong chuỗi liên kết hoặc cá của doanh nghiệp khiến lượng cá tồn trong dân khá cao; hàng tồn trong kho doanh nghiệp khá cao. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá nước lạnh, tôm hù, ốc hương, …) giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.
![]() |
Ngành thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các nước như Ấn Độ, Ecuador đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới; Các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Thời tiết các tháng cuối năm liên tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới và các cơn bão tại vùng biển miền Trung (Bão chồng bão, Lũ chồng lũ) gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho người dân.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản năm 2020 vẫn tiếp tục duy trì. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8% (trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,4 tỷ USD.
![]() |
Về nuôi tôm nước lợ, trong các tháng đầu năm 2020, việc triển khai sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kèm theo tình hình xâm nhập mặn tại các vùng nuôi chủ lực, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ, đặc biệt là đối tượng tôm sú bị sụt giảm. Đến các tháng cuối năm 2020, tình hình sản xuất tôm nước lợ đã có sự phục hồi khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được khống chế, việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục đã giúp cho sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng khá, tổng sản lượng vượt kế hoạch năm 2020 đã đề ra. Năm 2020, tổng sản lượng tôm nuôi đạt 900 nghìn tấn. Trong đó, tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1% so với năm 2019; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5% so với năm 2019.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến biểu dương ngành thủy sản đã đạt được kết quả rất đáng tự hào trong năm 2020. Năm 2021 dự báo tiếp tục sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vì vậy chúng ta không ngủ quên trong chiến thắng.
![]() |
Thứ trưởng cho rằng, những yếu tố thuận lợi như: Kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại sau khi dịch Covid-19 được khống chế, lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của các Hiệp định CPTTP và EVFTA, UKVFTA….mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm. Đồng thời, chính trị và kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giúp ngành thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả được nâng lên.
Bên cạnh những thuận lợi trên, thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng ĐBSCL, yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, dịch bệnh do Covid-19 vẫn còn có tác động xấu …là những khó khăn, thách thức đối với kế hoạch năm 2021. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành tôm Việt Nam hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trước năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra cho ngành Thuỷ sản; đồng thời, giúp các bên tham gia vào chuỗi giá trị tôm Việt Nam kịp thời nắm bắt những cơ hội mà các Hiệp định thương mại (FTA) mang lại, cũng như chuẩn bị tâm thế đối diện và giải quyết những thách thức, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cần phải tập trung phát triển các sản phẩm tôm chất lượng cao, sản xuất theo quy trình công nghệ tiên tiến, được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ các loại sản phẩm tôm.
![]() |
Mỗi lô hàng thủy sản xuất khẩu là một thông điệp chúng ta gửi đến bạn bè toàn thế giới không chỉ về về chất lượng, sự an toàn khi sử dụng mà sâu sắc hơn là bản lĩnh của những con người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất, kết nối giao thương; là tấm lòng, trách nhiệm của những con người Việt Nam khi tham gia vào guồng máy sản xuất, cung cấp thực phẩm toàn cầu trước bất cứ khó khăn nào.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đặt ra cho năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu, ngay từ những ngày đầu năm mới, vụ mới, chúng ta cần tập trung chỉ đạo ngay các đơn vị, doanh nghiệp và người nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện và tiến hành thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó coi phòng bệnh là chính thông qua các mô hình/phương thức nuôi phù hợp từng vùng/từng đối tượng; kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, ATTP.
Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu, kiên quyết bài trừ những biểu hiện mất đoàn kết, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, phát triển thiếu bền vững.
Tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu; Hoàn thiện các chương trình quản lý chất lượng, quản lý tốt chất lượng nguồn nguyên liệu.
![]() |
Thông báo kịp thời tới Bộ, Ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững.
Đề nghị các Địa phương triển khai nghiêm các quy định và văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin kịp thời đến người nuôi về các quy định mới, các chỉ đạo về sản xuất, thông tin thị trường. Khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi; đồng thời Quản lý tốt chất lượng vật tư đầu vào và kiểm soát điều kiện nuôi nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản. Động viên, biểu dương kịp thời người nuôi và các doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ người nuôi trong giai đoạn khó khăn.
Đề nghị các Hội, Hiệp hội vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.
Văn Thọ